Chi tiết bài viết - Xã Gio Hải - Gio Linh

KỶ NIỆM 51 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG XÃ GIO HẢI (30/3/1972 - 30/3/2023)

51 năm đã đi qua, thời khắc thiêng liên vẫn còn đó. Ngày 30/3/1972 ghi dấu chiến thắng của chân lý, khát vọng, tự do và độc lập của quân và dân xã Gio Hải; Chiến thắng của lòng dũng cảm, kiên cường, không chịu khuất phục, là chiến thắng của truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta.  

Ngược dòng lịch sử, sau chín năm kháng chiến trường kỳ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta giành được thắng lợi vĩ đại, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.


Thu chiến lợi phẩm ngày Giải Phóng xã (30/3/1972)


Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải được lấy làm "giới tuyến quân sự tạm thời" phân chia hai miền đất nước với quy định sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Nhưng Mỹ - Diệm đã trắng trợn xoá bỏ Hiệp định Giơnevơ, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng muốn biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Lúc này, Gio Linh nói chung, Gio Hải nói riêng trở thành vị trí đầu cầu giới tuyến của miền Nam, nơi tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Là địa danh đại diện đầy đủ nhất của sự tàn phá, chia cắt và những thử thách nghiệt ngã của chiến tranh. Nơi diễn ra cuộc đụng đầu quyết liệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa, cách mạng và phản cách mạng, giữa CNXH và đế quốc bạo tàn. Để thực hiện mưu đồ đó, Đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai đã tập trung các lực lượng binh chủng hùng mạnh, bộ máy ngụy quân, ngụy quyền khét tiếng tàn bạo, một mạng lưới gián điệp, tâm lý chiến với trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại. Một hệ thống đồn bốt dày đặc, đặc biệt chúng xây dựng tuyến hàng rào điện tử MacNamara và hệ thống chiến hạm, tàu tuần hiện đại ở biển Đông. Chúng đêm ngày tổ chức càn quét, cày phá tan tành, dồn hết dân vào trại tập trung Cửa Việt, (hai thôn Nhĩ Trung, Nhĩ Hạ ở khu tập trung Quán Ngang) biến nơi đây thành "vành đai trắng" hòng ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng và sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Chúng thực hiện những thủ đoạn độc ác, xảo quyệt hòng khuất phục tinh thần cách mạng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta, dìm phong trào cách mạng vào trong biển máu. Trong những ngày đen tối ấy, khi Mỹ Diệm tập trung đàn áp phong trào một cách quyết liệt, nhân dân Gio Hải vẫn vững tin vào Đảng, một lòng kiên trung với cách mạng “một tấc không đi, một ly không rời”. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trong mưa bom bảo đạn, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt càng nung nấu thêm ý chí, tinh thần quyết chiến và quyết thắng của quân và dân ta. Hàng rào điện tử MacNamara hiện đại của Mỹ “lá chắn thép” làm sao ngăn được bước chân thần kỳ của những chiến sỹ cách mạng ta đêm nam ngày bắc, lội sông vượt biển, kiên cường bám trụ, tạo thế trận lòng dân, lập nên những chiến công khiến giặc Mỹ kinh hồn, bạt vía. Hệ thống ra đa tối tân, đèn la ze có sáng đến đâu, chúng làm sao soi được ý chí căm thù dưới lòng sông để rồi hàng chục chiếc tàu chiến của Mỹ phải bốc cháy bởi những quả Ngư lôi tự tạo và pháo cối của quân ta. Hệ thống tình báo, mật vụ, ngụy quyền ngày đêm càn quét, xăm xoi nhưng chúng làm sao thấy được lòng bao dung, quả cảm của những bà Mẹ Việt Nam anh hùng, của các cơ sở cách mạng, làm sao biết được sức mạnh của quân ta trong lòng đất vùng lên khi có thời cơ.

Có thể nói, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã hun đúc ý chí, tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc ta. Đảng bộ và nhân dân Gio Hải đã cùng nhân dân cả nước đập tan các kiểu chiến tranh, từ “Chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” chặn đứng mưu đồ “lấp sông Bến Hải”, tấn công miền Bắc của Mỹ và tay sai. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân đã được phát huy cao độ. Phối hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Đầu tháng 3/1972 Kế hoạch tác chiến khu Đông đã được thông qua, Thực hiện sự chỉ đạo của chiến dịch, đêm 29/3 lực lượng ta gồm một đại đội đặc công của Đoàn 126 hải quân, 3 đội biệt động của huyện và hàng trăm du kích dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy. Kế hoạch tác chiến đã bí mật triển khai, tổ chức bám trụ địa bàn, áp sát các mục tiêu đã định.

Đúng 11 giờ ngày 30/3/1972, bộ tư lệnh chiến dịch hạ lệnh “Bão táp I”. Sau cuộc bắn phá các mục tiêu, cứ điểm của bộ đội pháo binh các đơn vị chủ lực, lực lượng du kích xã thọc sâu, áp sát các mục tiêu: đồn bốt, trụ sở ngụy, các khu tập trung phát động quần chúng bằng ba mũi giáp công. Tại mặt trận Cửa Việt thực hiện khẩu hiệu “Nổi dậy tấn công, chặn đường không, ngăn đường sông, không cho địch thoát”, lực lượng du kích Gio Hải phối hợp với các đơn vị chủ lực chia thành ba mũi đồng loạt tiến công, rãi mìn, thủy lôi bít cửa sông, dùng hỏa lực đánh địch trên sông từ Cửa Việt đến Đông Hà. Một bộ phận hải quân và du kích tập trung tập kích duyên đoàn 11 ngụy. Trong khu tập trung chi bộ và cơ sở mật hoạt động trong lòng địch, công khai lãnh đạo nhân dân nổi dậy. Kêu gọi bọn ngụy quân, ngụy quyền còn ẩn náu nộp súng đầu hàng. Du kích và bộ đội truy quét bọn ác ôn, chỉ điểm, thu dọn chiến lợi phẩm, phá tung hàng rào.

Chỉ trong hai ngày đêm sát cánh chiến đấu cùng quân dân Gio Linh và các đơn vị bộ đội chủ lực, quân dân Gio Hải đã đập tan hệ thống phòng ngự “Bất khả xâm phạm”, mạnh nhất của địch. Căn cứ hải quân Cửa Việt, tuyến phòng thủ Macnamara “mắt thần điện tử”, những “vành đai thép” bị bung ra từng mảng. Ngày 30/3/1972 dấu mốc lịch sử đã được khắc ghi “Gio Hải hoàn toàn giải phóng”.

Trần Minh Hoàng (P/S Công Sinh)